Người trẻ, thay vì cố gắng chứng minh mình làm tốt bằng lời nói, hãy cắm đầu mà làm để chứng minh bằng kết quả

Bạn nghĩ mình đã làm việc hết mình, cố gắng làm tất cả mọi thứ để đạt được kết quả và công nhận. Nhưng bạn vẫn bị mắng vì không đạt được kết quả như kì vọng, làm hao phí tài chính. Lúc đó bạn làm như thế nào? Chứng minh bằng lời nói?


Hình minh họa

Gần đây công ty Béo đang rất căng thẳng về chuyện doanh số, mỗi lần Sếp đi họp là tất cả nhân viên  đều ngồi lo lắng, không yên. Béo thì đã bị nói rất nhiều về doanh số, đã đối phó và cố gắng từ mấy tháng trước rồi, bây giờ doanh số phần Béo đang phụ trách ổn hơn, Béo cũng vì thế mà vui hơn. 

Nhưng, mấy người cộng sự của Béo, họ đã không mấy quan tâm đến doanh số, cứ làm hết phần mình là đi về, đến khi doanh số sụt giảm,  bị Sếp sờ gáy, trách phạt thì họ mới bắt đầu quan tâm. Nhưng sự muộn màng khiến cho tình hình không mấy tích cực.

Giống như Béo ngày trước, khi bị la, thay vì bình tĩnh, ngồi nhìn lại những điều mình đã làm, xem  sai ở đâu, đúng ở đâu, chỗ nào mình cần làm, chỗ nào mình cần cố gắng thì tìm kiếm mọi thứ liên quan để đổ lỗi, để trách mắng, để cố chứng minh rằng mình đã làm hết sức, mọi thứ không tốt là do thứ này, thứ kia...

Những đồng nghiệp đó cũng vậy, thay vì nhìn nhận vấn đề, âm thầm cố gắng cải thiện, họ bắt đầu việc phản biện bằng lời nói. 

Một người thì cãi tay đôi với Sếp, nói rằng phải xem lại quá trình, xem những công việc mình đã làm cả tháng qua, thay vì nhận xét trong thời gian gần nhất. Sếp nói một câu, nhân viên cãi một câu và mọi chuyện chẳng ra đến đâu. 

Ở phương diện của một người Sếp, họ chẳng cần nhìn quá trình mà chỉ cần xem kết quả, bởi đó là cái họ kì vọng và mong chờ, còn quá trình lại cái về sau, khi mà kết quả có dấu hiệu gì đó sai lệch với kì vọng. Ở phương diện của nhân viên, họ chỉ muốn chứng minh mình đã làm rất nhiều, hết phần việc mình được giao, còn kết quả không như mong muốn thì là chuyện khác, không phải trách nhiệm của họ.

Đứng trên phương diện của người ngoài cuộc Béo, có liên quan một chút, thì Béo chỉ nghĩ đơn giản rằng: Sếp họ cần doanh số và họ nhìn kết quả là điều hợp lý. Nói họ nhìn quá trình bạn làm việc chỉ khi bạn chứng minh cho họ thấy mình làm tốt, mình mang lại kết quả xuất sắc và họ cần phải nhìn đến bạn nhiều hơn (kinh nghiệm đã từng làm Sếp của bản thân).

Nhìn về người đồng nghiệp đang cãi tay đôi với Sếp, mình chỉ thấy cô ấy khá thiếu khôn ngoan, bởi vì khi mình đã làm không ra kết quả, mọi sự chứng minh đều là vô ích. Hơn thế, chứng minh bằng lời nói, cãi tay đôi với Sếp lại biến mình thành thô lỗ, con nít.

Nói chung, khi nói chuyện với người cấp cao hơn mình, nhường họ một chút, nghe họ nói nhiều hơn một chút là tốt hơn. 

Có thể bạn nghĩ rằng nhường nhịn là nhu nhược, nhưng không phải vậy, nhường nhịn có nghĩa là bạn  tự trọng, tự tôn với chính mình. Không nói, để đầu óc có thời gian tự suy nghĩ, lắng nghe, đánh giá và nhìn nhận. Bởi khi bạn cố suy nghĩ để chứng minh bằng những lời nói, lão bộ roi vào trạng thái hoảng loạn, nóng vội và mất bình tĩnh. Những lúc đó, việc chứng minh của bạn cũng thất bại và việc suy nghĩ nhìn nhận vấn đề của bạn cũng không được như mong muốn.

Thêm một anh chàng khác, sau khi bị Sếp "nhắc nhở" anh ta không cãi ngay (vì đã lớn và có nhiều kinh nghiệm đi làm, cộng với bản tính nhút nhát, có phần ì) mà im lặng lắng nghe, ngày hôm sau phản biện bằng cách đưa ra một loạt bằng chứng về thiết bị, công cụ hỗ trợ... bị lỗi hỏng, và thuyết phục mọi người rằng, những thứ đó là nguyên nhân khiến công việc của anh ta bị kéo lùi về kết quả...

Lúc đầu, mọi người còn muốn nghe anh ta thanh minh, nhưng sau khi anh ta làm quá lên thì tất cả đều ngán ngẩm, vì đó là phần việc của anh ta, mọi người không ai hiểu quá nhiều, và cũng không có cách nào tháo gỡ. Trừ khi là chính anh ta. Sau khi, cảm nhận việc chứng minh có phần thất bại, anh ta bắt đầu gây gổ với anh chàng đưa tin, người xưa nay vẫn giao dịch trực tiếp với tay kỹ thuật.

(Giải thích một chút: công cụ của công ty giao cho anh chàng kia đã tệ tự trước, nhưng anh ấy được quyền yêu cầu sửa, được nói chuyện trực tiếp với anh chàng kỹ thuật để cải thiện cho chúng tốt hơn. Nhưng vì khả năng giao tiếp của anh ta quá tệ, anh ta không kết nối được với anh chàng kia, hai người nói chuyện không hiểu nhau, nên anh chàng kia không làm theo những gì anh chàng kia. Để công việc được êm xuôi, công ty đành phải đưa ra một anh chàng hòa giải, một người kết nối giữa hai người)

Như vậy, lại thêm một người nữa khiến văn phòng của Béo thêm rối tung lên.

Hazz, lại thêm một khoảng thời gian căng thẳng!

Bài học: 
Bài học cho bạn trẻ nhé!

Khi đi làm và bị cấp trên trách phạt, cư xử như thế nào cho khôn ngoan?

Đầu tiên, khi người cấp trên nói động đến quyền lợi của bạn, thực ra cũng là quyền lợi của họ (không ai rảnh mà gây gổ chỉ vì quyền lợi của bạn) thì đừng cố gắng cãi lại, mà hãy lắng nghe, nghe thật nhiều để hiểu câu chuyện,  để tìm kiếm nguyên nhân xuất phát từ đâu... Khi đã hiểu vấn đề thì bạn sẽ có cái nhìn rộng hơn, cũng xác định được đúng sai mà có những lý lẽ hợp lý bảo vệ quyền lợi bản thân.


Hình minh họa

Thứ hai, khi cấp trên đánh giá kết quả công việc của bạn, và nó thực sự rất tệ, thay vì cố chứng minh rằng mình đã làm hết sức thì hãy chấp nhận kết quả đó và nhìn xem mình sai ở đâu. Khi bạn không nhìn thấy lỗi sai không phải là do bạn không sai mà đơn giản là vì bạn chưa đủ kiến thức, kỹ năng để nhìn thấy chúng. Hãy cải thiện, yếu ở đâu học ở đó, mù đường ở đâu thì mở đường ở đó... Bạn có thể đến các lớp học, tự học hoặc hỏi bạn bè. Kinh nghiệm của Béo là kết thân với một chuyên gia trong lĩnh vực đó, có họ giải thích, mình sẽ làm nhanh hơn...
Khi đã có kiến thức, kỹ năng vừa đủ, bạn sẽ thấy vấn đề, cũng biết cách làm mọi thứ ổn hơn.

Thứ 3, đừng cố chứng mình kết quả chỉ qua những lời nói, cũng đừng bắt cấp trên xem quá trình của bạn, mà hãy biến mình thành người hành động, nói ít và cắm đầu vào công việc. Khi công việc của bạn có kết quả, có nghĩa là bạn thành công, bạn sẽ trở thành người có tiếng nói. Lúc đó, bạn không cần phải yêu cầu, người khác cũng sẽ nhìn nhận và đánh giá bạn theo một hướng tích cực.

Mà thực ra, bạn không cần phải để ý đến chuyện nhìn nhận bạn đâu, Sếp nào cũng quan sát nhân viên hết, khi họ làm tệ cũng như làm tốt. Chỉ là họ không nói và ho họ có quá nhiều vấn đề cần phải quan tâm nên không thể hiện với bạn. Vì thế, bạn muốn họ công nhận, hãy làm tốt đi và nói ít lại.

Nói chung, khi làm việc, mặt dày, tai điếc là tố chất cần thiết giúp bạn thành công.

Béo Ngố






Comments